Bệnh tổ đỉa (Dysidrose) là một dạng đặc biệt của eczema (chàm), với phát ban mụn nước nằm trong lớp thượng bì, kích thước 1-2mm đi kèm hiện tượng ngứa. Bệnh thường gặp ở tuổi từ 20 đến 40, nam nữ có tỷ lệ bằng nhau. 90% là gặp ở lòng bàn tay và các rìa ngón tay.
Bệnh rất ngứa, nếu gãi hoặc chà xát lên thì ngứa càng tăng và mụn nước xuất hiện càng nhiều. Đôi khi mụn nước xuất hiện ở đầu ngón tay, vùng sát với gốc móng, nếu bị kéo dài sẽ làm loạn dưỡng móng. Mụn nước không tự dập vỡ, một số người lấy kim khêu lên thấy ra ít dịch trong, dính. Gạt bỏ dịch thấy một lỗ sâu (giếng chàm). Vùng da bị mụn nước nổi gồ lên, hình tròn, rải rác hay xếp thành chùm, sờ vào mụn nước thấy chắc. Các mụn nước thường xẹp đi chứ không tự vỡ, thường có màu hơi ngà vàng, khi bong ra để lộ một nền da hồng, hình đa cung hoặc tròn, có viền vẩy xung quanh.
Bệnh thường kéo dài khoảng 2 đến 4 tuần, tróc vảy rồi lành và hay tái phát. Có thể nhiễm trùng thành mụn mủ, gây cảm giác đau nhức, khó chịu. Khi bị nhiễm khuẩn thì mụn nước hoặc bóng nước sẽ đục, sưng đỏ kèm theo sưng hạch bạch huyết ở vùng kế cận khiến người bệnh nóng sốt.
Nguyên nhân bệnh tổ đỉa rất đa dạng và phức tạp, một số yếu tố liên quan như:
+ Dị ứng với hóa chất trong sinh hoạt, trong nghề nghiệp như xăng dầu, xà phòng, xi măng…
+ Nhiễm khuẩn trong khi tiếp xúc với bùn đất, nước bẩn hay gặp nhất là do liên cầu trùng trong thể tổ đỉa nung mủ
+ Dị ứng với nhiễm nấm ở kẽ chân
+ Do thay đổi thời tiết theo mùa, ảnh hưởng của ánh sáng và nóng ẩm khiến tăng tiết mồ hôi vùng tay, chân
Điều trị tổ đỉa hiệu quả nhằm khôi phục làm da trở về trạng thái bình thường, do đó bên cạnh phương pháp đúng đắn còn cần đến sự kiên trì của người bệnh:
+ Sử dụng các sản phẩm điều trị tổ đỉa có uy tín, chất lượng
+ Nếu có bội nhiễm, nên kết hợp cùng kháng sinh
+ Hạn chế gãi hoặc chà xát lên vùng tổn thương, tránh bóc vảy, làm vỡ mụn để tránh nhiễm khuẩn
+ Tránh tiếp xúc xăng dầu, mỡ, xà phòng, hóa chất, thuốc tẩy rửa. Khi cần phải đeo găng bảo vệ.
+ Bổ sung thêm các loại Vitamine, đặc biệt Vitamin E, C, B và A để thúc đẩy quá trình làm lành thương tổn tổ đỉa