Yếu tố nào làm kích hoạt bệnh vẩy nến khởi phát và tái phát?
Vẩy nến là bệnh da liễu thường gặp. Cho đến nay nguyên nhân chính xác của căn bệnh này vẫn chưa được làm sáng tỏ. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rối loạn hệ miễn dịch và yếu tố di truyền được xem là đóng một vai trò quan trọng làm khởi phát cũng như làm trầm trọng hơn diễn biến của bệnh.
Vẩy nến có thể xuất hiện ở nhiều độ tuổi, giới tính, môi trường làm việc. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng vì một lý do nào đó hệ miễn dịch đã bị kích hoạt một cách sai lầm, do đó đã làm tăng tốc chu kỳ tăng trưởng của tế bào da giữa các phản ứng miễn dịch khác, gây ra hiện tượng tăng sinh đột ngột tế bào da, hình thành nên các mảng da bong tróc mà ta gọi là vẩy nến.
Chưa thể chỉ ra được nguyên nhân chính xác, các nghiên cứu cho thấy rằng một người có phát triển thành bệnh vẩy nến hay không tùy thuộc vào các yếu tố kích hoạt. Những yếu tố này làm khởi phát bệnh (yếu tố kích hoạt nguyên phát) và làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh (yếu tố kích hoạt thứ phát).
Những yếu tố kích hoạt bệnh vẩy nến nguyên phát được ghi nhận gồm có:
- Hiện tượng Koebner (chấn thương thượng bì): là các tổn thương da có thể kể đến như vết cắn động vật, bỏng, sấy điện, tróc da, sự cọ xát, vết thương do côn trùng đốt, phẫu thuật ghép, đường rạch phẫu thuật, lột băng vải, mút ngón tay, tia X, bỏng nắng, xăm mình
- Căng thẳng/Stress: biểu hiện lo lắng, trầm cảm, bệnh tâm lý, sang chấn tâm lý, cú sốc tinh thần…
- Tác động của một số loại thuốc được sử dụng trong điều trị bệnh như: Thuốc kháng sốt rét (Doxycycline, chloroquine), thuốc điều trị trầm cảm hay rối loạn tâm thần (Lithium), thuốc điều trị cao huyết áp, thuốc kháng viêm) ibuprofen hay indomethacin), thuốc dùng cho bệnh nhân suy tim, Corticosteroid… Sự ngừng thuốc ở liều tương đối cao một cách đột ngột có thể là một yếu tố kích hoạt bệnh vảy nến.
- Nhiễm trùng: ở một số người, thường là trẻ em và những người trẻ, xuất hiện vẩy nến thể giọt sau một đợt nhiễm trùng đặc biệt là nhiễm trùng hô hấp. Người có hệ miễn dịch suy yếu như là bệnh nhân HIV sẽ tăng nguy cơ khởi phát vẩy nến hơn người bình thường.
Dưới đây những yếu tố có khả năng làm trầm trọng tình trạng bệnh mà người bệnh vẩy nến nên lưu ý để tránh việc diễn biến của bệnh ngày càng xấu đi, phức tạp hơn:
- Sử dụng đồ uống có cồn như: rượu bia…
- Sử dụng chất kích thích, thuốc lá, hít khói thuốc lá thụ động
- Tiếp xúc với hoá chất (sản phẩm tẩy rửa có thành phần cơ bản là chlorine, thuốc nhuộm tóc, thuốc uốn tóc, sơn, thuốc diệt côn trùng, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, nickel và thuốc nhuộm da…)
- Thay đổi hoặc rối loạn nội tiết tố
- Dung nạp các thực phẩm bất lợi với sức khỏe, còn dư lượng thuốc trừ sâu, hóa chất bảo quản, chất tẩy rửa: nước ngọt có gas, đồ ăn ngọt, phụ gia thực phẩm, các chất bảo quản… hoặc các thục phẩm gây nên hiện tượng dị ứng
- Ô nhiễm môi trường, tiếp xúc với khói bụi, độc hại…
Trên thực tế không phải tất cả bệnh nhân vẩy nến đều phản ứng với tất cả các yếu tố kích hoạt nêu trên. Mỗi người bệnh sẽ có những phản ứng cụ thể với từng yếu tố do đó người bệnh nên lưu ý và tránh tiếp xúc hoặc để các yếu tố đó ảnh hưởng đến sức khỏe và tình trạng bệnh của mình.
Việc ghi nhận lượng thực phẩm, nước uống… đã tiêu thụ, bạn đã trải qua những stress nào, có tiếp xúc với hoá chất và những yếu tố môi trường khác không và đồng thời theo dõi triệu chứng của bạn ví dụ: ngứa tăng lên, cảm giác kích thích, xuất hiện những vùng tổn thương mới, hay vùng thương tổn cũ trở nên tệ hơn…. sẽ là tiền đề giúp bạn hiểu rõ hơn về nhân tố tác động trực tiếp đến tình trạng bệnh của mình.
05:19:27
26/05/2017