Vẩy nến là bệnh lý về da gây nên rất nhiều phiền toái cho sức khỏe, tâm lý, chất lượng cuộc sống của người bệnh. Thô ráp, ngứa ngáy, khó chịu là cảm nhận chung của đa số bệnh nhân mắc phải căn bệnh này. Để giảm bớt những triệu chứng khó chịu do vẩy nến gây ra, người bệnh nên chú ý đến việc dưỡng ẩm cho da bằng các phương pháp tự nhiên, an toàn.
Dưới đây là một số phương pháp dưỡng ẩm cho da đơn giản mà bệnh nhân vẩy nến có thể áp dụng hỗ trợ cho quá trình điều trị vẩy nến:
Duy trì, dưỡng ẩm cho da bằng dầu dừa hoặc dầu oliu
Do đặc điểm da bệnh nhân vẩy nến rất khô nên thao tác dưỡng ẩm cho da vô cùng quan trọng, đặc biệt là vào các tháng mùa đông lạnh, khí hậu thường khô, hanh để tránh khô da, nứt nẻ. Thoa dầu oliu hoặc dầu dừa lên bề mặt da là một cách tuyệt vời để giảm bớt những khó chịu do khô da cho bệnh nhân vẩy nến.
Dầu dừa, dầu oliu được biết đến như một chất dưỡng ẩm tự nhiên có tác dụng làm mềm mịn và dịu nhẹ với da do các loại dầu này chứa lượng lớn Vitamin E cùng các axit béo rất tốt cho da. Vì thế, sử dụng các loại dầu thực vật như dầu dừa và dầu oliu là phương pháp giúp giảm khô da không những hiệu quả mà còn không gây các kích ứng da khó chịu.
Dưỡng ẩm bằng Dầu dừa và dầu oliu
Tắm bằng muối biển
Tắm với muối biển là cách thức tuyệt vời để thư giãn và dưỡng da. Bệnh vẩy nến thường hay kèm theo triệu chứng viêm khớp, ngứa ngáy, khó ngủ, ngủ không sâu giấc vì thế tắm muối biển là phương pháp hiệu quả giúp đẩy lùi biểu hiện bệnh lý này.
Tắm muối biển sẽ làm tăng lưu thông độ ẩm, giúp da mịn màng và dẻo dai hơn. Nó làm trẻ hóa làn da bằng cách giải độc và thúc đẩy quá trình tái tạo tế bào da. Đối với làn da khô và ngứa ngáy, tắm trong nước muối biển sẽ loại bỏ tế bào chết trên bề mặt da, đồng thời giúp da ít bị kích thích, duy trì độ ẩm của da.
Mặc dù không có tác dụng ngay tức thì nhưng thường xuyên tắm trong nước muối biển sẽ dần dần cải thiện các biểu hiện lâm sàng của bệnh vẩy nến và các rối loạn trên da như mụn trứng cá…
Muối biển có khả năng thúc đẩy tái tạo da, duy trì độ ẩm
Tắm nắng thường xuyên
Thông thường, bệnh nhân vẩy nến thường được khuyên tránh ánh nắng trực tiếp do ánh nắng chứa nhiều tia UV có thể gây hại cho da. Trên thực tế, ánh nắng mặt trời buổi sáng giúp cải thiện tình trạng bệnh vẩy nến. Tuy nhiên, bệnh nhân vẩy nến chỉ nên tiếp xúc với ánh nắng buổi sáng sớm, bởi ánh nắng khi đó ít chứa tia UV có hại cho da, và cường độ vừa phải, giúp cơ thể tăng tổng hợp vitamin D, canxi và làm cho làn da bệnh nhân vẩy nến khỏe mạnh hơn.
Việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời giúp cơ thể chúng ta tăng số lượng bạch cầu cùng các kháng thể miễn dịch. Đặc biệt, khả năng vận chuyển, tiếp chuyển oxy của hồng cầu được nâng lên, từ đó giúp cơ thể dễ dàng tiêu diệt các siêu vi trùng hay các vi khuẩn yếm khí. Vì vậy tắm nắng sẽ giúp chúng mình tăng cường hệ miễn dịch, nâng cao sức đề kháng, chống chọi với bệnh tật tốt hơn.
Tắm nắng vào sáng sớm rất hiệu quả đối với bệnh nhân vẩy nến
Chú ý:
- Thời điểm tắm nắng an toàn: 7h – 9h (mùa đông), 6h30 – 7h30 (mùa hè) hoặc 16h – 17h.
- Thời gian tắm nắng: 20 – 30 phút là đủ.
- Nên tắm nắng trực tiếp, như vậy sẽ đạt hiệu quả cao hơn