BỆNH VẨY NẾN NÊN ĂN GÌ VÀ KIÊNG GÌ?
Biểu hiện thường thấy nhất của bệnh vảy nến là những mảng đỏ có kích thước khác nhau, có ranh giới rất rõ với vùng da bên cạnh và bong tróc da liên tục. Biểu hiện của bệnh vẩy nến sẽ diễn tiến lan rộng sang các vùng da xung quanh thậm chí là toàn bộ cơ thể nếu người bệnh không có những phương pháp điều trị khoa học kết hợp cùng chế độ dinh dưỡng phù hợp.
Bài viết dưới đây sẽ cung cấp những điều cần lưu ý trong quá trình xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học cho bệnh nhân vẩy nến, giúp cải thiện những triệu chứng khó chịu của bệnh.
Bệnh nhân vẩy nến nên ăn gì?
Thực tế cho thấy, thực phẩm dung nạp vào cơ thể có những ảnh hưởng nhất định đến cải thiện tình trạng sức khỏe của con người trong quá trình điều trị bệnh, trong đó có nhóm bệnh nhân vẩy nến. Một chế độ ăn uống hợp lý, đôi khi tác dụng còn hiệu quả hơn cả sử dụng các loại thuốc điều trị vẩy nến.
Người bệnh vẩy nến nên ăn:
- Rau, củ, quả: Đây là nhóm thực phẩm cung cấp nhiều các loại vitamin tăng cường sức đề kháng và rất tốt cho da, giúp cải thiện tình trạng vảy nến hiệu quả. Trong nhóm thực phẩm này, hàm lượng Axit Folic, beta-caroten cùng vitamin nhóm A, C, E... luôn có vai trò quan trọng trong tiến trình tổng hợp kháng thể, cải tạo lớp tế bào sừng, thúc đẩy quá trình tái tạo da, nuôi dưỡng da khỏe mạnh, giúp cải thiện tình trạng bệnh nhanh chóng. Một số loại rau quả thường dùng cho bệnh vảy nến như: cà rốt, bông cải xanh, bơ, xoài, bưởi, cam…
- Cá biển: Đây là nhóm thực phẩm có nhiều Omega-3, tiêu biểu như: cá hồi, cá thu, cá saba... Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, Omega-3 có tác dụng ức chế các chất gây viêm ở nhóm bệnh nhân vẩy nến như leucotriene 3 và 5. Vì vậy, đây là nhóm thực phẩm có tác dụng tích cực trong hỗ trợ điều trị bệnh vẩy nến hiệu quả.
- Ngao sò và các động vật nhuyễn thể chứa hàm lượng Kẽm cao hơn so với các nhóm thực phẩm khác. Kẽm là khoáng chất vô cùng cần thiết cho da và tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Nếu như không bị dị ứng hải sản thì đây là một nguồn dinh dưỡng tốt cho người gặp các vấn đề liên quan đến nhóm bệnh tự miễn, trong đó có bệnh vẩy nến.
- Ngũ cốc, đặc biệt là vừng đen (mè đen) chứa nhiều dầu béo có cấu trúc tương tự Omega-3, vừa cung cấp Vitamin E cần thiết cho lớp sợi liên kết (collagen) dưới da, giúp tăng cường đàn hồi cho da, cải thiện các triệu chứng khó chịu của bệnh vẩy nến.
Người bệnh vẩy nến nên tránh các thực phẩm gì?
- Nhóm thực phẩm đóng hộp, chế biến sẵn: đồ hộp, xúc xích... đây là nhóm thực phẩm chứa nhiều chất béo, natri tăng nguy cơ gặp các vấn đề về tiểu đường, tim mạch, béo phì... ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe người bệnh vẩy nến. Người bệnh nên thận trọng và hạn chế nhóm thực phẩm này.
- Đồ uống có cồn, gas, chất kích thích: rượu, bia, cà phê, trà, thuốc lá, đồ uống đóng chai: nước ngọt, trà sữa... gây những hệ lụy nghiêm trọng đối với chức năng gan, thận, tim mạch và ảnh hưởng trục tiếp đến hệ miễn dịch của người bệnh.
- Thực phẩm dễ gây dị ứng, kích ứng da: đây là nhóm thực phẩm người bệnh nên tránh sử dụng vì nó gây lên những phản ứng khó chịu cho cơ thể và có thể làm trầm trọng hơn biểu hiện bệnh ở bệnh nhân vẩy nến. Người bệnh cần xác định rõ những thực phẩm gây dị ứng cho mình để tránh dung nạp vào cơ thể.